Ngay sau khi thông báo về kế hoạch thành lập hai trung tâm tại Việt Nam, Nvidia bắt đầu tiến hành tuyển dụng nhiều vị trí trong lĩnh vực công nghệ.
Ngay sau khi thông báo về kế hoạch thành lập hai trung tâm tại Việt Nam, Nvidia bắt đầu tiến hành tuyển dụng nhiều vị trí trong lĩnh vực công nghệ.
Nguồn hình ảnh, HOANG TUAN/AFP/Getty Images
Tập đoàn Nvidia và chính phủ Việt Nam sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển trí thông minh nhân tạo (AI) và một trung tâm dữ liệu AI tại quốc gia Đông Nam Á này, theo một thỏa thuận được ký kết vào thứ Năm 5/12.
Nvidia, công ty có trụ sở ở bang California (Mỹ) cho biết họ đã mua lại công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe VinBrain, thuộc tập đoàn Vingroup, nhưng không công bố giá trị của thỏa thuận.
Trong chuyến thăm Hà Nội năm 2023, Chủ tịch, Giám đốc điều hành (CEO) Nvidia Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân) đã nói rằng tập đoàn ngàn tỷ USD này muốn mở rộng hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam và hỗ trợ đào tạo nhân lực phát triển AI và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Hồi tháng 4 năm nay, tập đoàn FPT của Việt Nam cho biết họ dự tính xây dựng một nhà máy trí tuệ nhân tạo trị giá 200 triệu đô la sử dụng chip đồ họa và phần mềm của Nvidia.
Thỏa thuận giữa Nvidia và chính phủ Việt Nam đã được ký kết vào thứ Năm 5/12 tại Hà Nội trước sự chứng kiến của CEO Jensen Huang và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Cả Nvidia và Việt Nam đều không cung cấp thêm thông tin chi tiết về giá trị tài chính liên quan đến trung tâm nghiên cứu và phát triển và trung tâm dữ liệu vừa được ký kết.
Ông Phạm Minh Chính cho biết trí thông minh nhân tạo sẽ thúc đẩy tăng trưởng và Việt Nam cũng muốn sử dụng AI để phát triển năng lượng sạch.
Ông Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang còn đi thăm khu phố cổ, cùng uống bia ở phố Tạ Hiện, gặp gỡ người dân...
Trong khoảng một thập niên trở lại đây, Việt Nam đã hưởng lợi từ chiến lược "Trung Quốc cộng một" (China Plus One), thu hút nhiều tập đoàn công nghệ của các tỉ phú lừng danh như từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá rằng Việt Nam đang đứng ở ngã ba đường trong việc hoạch định các chính sách không gây kìm hãm đổi mới đồng thời tận dụng được cơ hội vàng của nguồn vốn đầu tư nước ngoài để phát triển.
Nguồn hình ảnh, NAM NGUYEN/AFP/Getty Images
Hồi tháng 12/2023, ông Jensen Huang lần đầu tiên đến Việt Nam.
Theo chính phủ Việt Nam, trong cuộc gặp với ông Phạm Minh Chính vào ngày 10/12/2023, CEO của Nvidia phát biểu:
"Chúng tôi đã nói với Thủ tướng sẽ cam kết hết mình để biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia. Chúng tôi sẽ thành lập pháp nhân ở Việt Nam".
Khi đó, lãnh đạo tập đoàn Nvidia "muốn thiết lập cứ điểm để thu hút nhân tài khắp thế giới, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam", theo Chính phủ Việt Nam.
Việc ông Jensen Huang trở lại Việt Nam sau gần một năm và ký kết các thỏa thuận mới nhất, được xem đã hiện thực hóa tuyên bố biến "Việt Nam trở thành quê hương thứ hai" của tập đoàn có giá trị thị trường ngàn tỷ đô la này. Nvidia hiện đã đầu tư 250 triệu USD tại Việt Nam.
Trước Việt Nam, ông Jensen Huang đã có chuyến đi đến Thái Lan (từ 3 đến 4/12), gặp với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra và có sự kiện ra mắt chip H100 GPU.
Hồi giữa tháng 11, ông Jensen Huang, trong một cuộc gọi điện với Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto, đã cam kết tập đoàn này sẽ hợp tác với các công ty Indonesia để phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của AI đối với sự tiến bộ của ngành công nghiệp và xã hội.
"Bạn có thể đặt niềm tin vào Nvidia và tất cả những người bạn của chúng tôi ở đây và tất cả các công ty công nghệ làm việc với chúng tôi để giúp thúc đẩy trí tuệ nhân tạo và mang lại lợi ích cho người dân Indonesia", ông nói trong cuộc gọi, theo Jakarta Post tường thuật vào ngày 15/11.
Nguồn hình ảnh, NAM NGUYEN/AFP/Getty Images
Ông Jensen Huang là người đồng sáng lập Nvidia vào năm 1993 và giữ chức chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn này từ đó đến nay.
Theo danh sách tỷ phú của Forbes, ông Jensen Huang hiện có khối tài sản ròng hơn 126 tỷ USD, xếp thứ 11 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Ông Jensen Huang nắm giữ khoảng 3% cổ phần Nvidia, tập đoàn niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 1999.
Sinh tại Đài Loan, ông Jensen Huang chuyển đến Thái Lan khi còn nhỏ, nhưng gia đình đã đưa ông và anh trai sang Mỹ khi các cuộc bạo loạn trở nên trầm trọng hơn ở quốc gia này.
Dưới thời ông Jensen Huang, bộ xử lý đồ họa GPU của Nvidia thống trị, ban đầu là trong các dòng máy tính chơi game và hiện là AI, giúp vốn hóa thị trường của tập đoàn này vượt ngưỡng hơn 3 ngàn tỷ USD trong năm 2024.
Ông Jensen Huang rất thích áo khoác da. Ông từng nói vợ và con gái vì chiếc áo đó đã giúp định hình phong cách riêng cho mình.
Người phát ngôn của Nvidia cho biết CEO của tập đoàn này đã mặc một chiếc áo như vậy trong hơn 20 năm.
"Áo khoác da có thể phát đi tín hiệu về sự khác biệt: sẵn sàng phá vỡ các quy tắc, thực hiện mọi điều khác biệt và thách thức tính nguyên trạng", stylist Sera Murphy cho biết.
"Phong cách đặc trưng của Jensen Huang mang đến cho ông ấy một nguồn năng lượng giản dị, dễ gần", cô cho biết thêm.
Phong cách đặc trưng không phải là hiếm đối với các CEO công nghệ.
Đồng sáng lập tập đoàn Apple, Steve Jobs từng được biết đến với trang phục quen thuộc - áo len cổ lọ St. Croix màu đen, quần jean Levi's 501 màu xanh và giày thể thao New Balance 991.
CEO của tập đoàn Meta, công ty mẹ của Facebook, Mark Zuckerberg thường mặc áo len trơn và áo thu từ các thương hiệu thời trang cao cấp.
Nguồn hình ảnh, HOANG TUAN/AFP/Getty Images
Nhận định về phong cách thời trang của ông Jensen Huang, stylist Sera Murphy cho biết việc "diện mỗi một kiểu đồ" có thể giúp các doanh nhân tạo ra một hình ảnh ổn định về công ty của họ.
"Mọi người cần sự nhất quán từ các nhà lãnh đạo. Việc mặc một bộ đồ giống nhau giúp mọi chuyện trở nên dễ đoán trong một thị trường biến động và khó lường."
Sự quan tâm đến AI tăng vọt sau khi ChatGPT ra mắt năm 2022.
Chatbot này đã được huấn luyện bằng 10.000 bộ xử lý đồ họa GPU H100 của Nvidia, trong một siêu máy tính.
Điều này đã đưa Nvidia vào câu lạc bộ các công ty có mức vốn hóa thị trường cao nhất của Mỹ, trị giá ít nhất 1 ngàn tỷ đô la vào tháng 5/2023, chung mâm với các tập đoàn như Apple, Amazon, Alphabet và Microsoft.
Tập đoàn Microsoft chỉ bắt đầu đầu tư vào OpenAI, công ty tạo ra chatbot AI phổ biến là ChatGPT, vào năm 2019.
Trong khi đó, ông Jensen Huang đã thúc đẩy Nvidia phát triển chip AI nhiều năm trước khi trí thông minh nhân tạo (AI) thật sự bùng nổ.